(Di tích Đền thờ Vua Lê Đại Hành, trên đỉnh Núi Bàn Cung)
Theo lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú. Lê Đại Hành, tên thường gọi là Lê Hoàn, sinh ngày 15 tháng 7 năm 941, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, được một viên quan địa phương lấy làm thương xót, thấy tư cách của ông “Người thường không sánh được", nên rất thương yêu, ông luôn chăm chỉ sớm hôm đèn sách. Khi lớn lên, ông đi theo Nam Việt Vương Đinh Liễn, do lập được nhiều chiến công. Đinh Bộ Lĩnh giao cho ông chỉ huy 2000 binh sĩ. Đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 xứ quân, thống nhất đất nước, lập lên nhà Đinh. Lê Hoàn được phong chức Thập Đạo Tướng Quân Điện Tiền Đô Chỉ Huy xứ (Tổng chỉ huy quân đội, kiêm chỉ huy quân cấm vệ của triều đình Hoa Lư), tháng 10 năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trai Đinh Liễn bị giết hại. Đinh Toàn mới lên 6 tuổi lên ngôi Vua. Lê Hoàn đã mang vai trò “Nhiếp chính" có quyền bàn bạc và quyết định nhiều việc hệ trọng của đất nước. Lê Hoàn tự phong là Phó Vương, do có một số cận thần trong triều không phục có ý định làm phản. Sau khi dẹp tan âm mưu của các loạn thần thì ở phương Bắc nhà Tống đã dòm ngó Đại Việt. Nghe tin Vua Đinh vừa mất, triều đình đang trong cảnh rối ren, nhân cơ hội đó Vua Tống đã phát quân xâm lược Đại Cồ Việt, vào khoảng năm 980 đầu năm 981. Trước tình hình nguy cấp, nhà Đinh đã tôn Lê Hoàn lên Thiên Tử, lấy hiệu là Lê Đại Hành với kế hoạch “Tất lôi Bất cập yểm Nhĩ" (Tiếng sấm nhanh không kịp bịt tai), giặc Tống hung hãn chia hai đạo quân Thủy-bộ, tràn qua biên ải vào xâm lược nước ta. Lê Hoàn thân chinh tự làm tướng hành binh ra vùng Đông Bắc để dẹp giặc. Khi đi qua đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (An Lạc-Chí Linh-Hải Dương), thấy nơi đây có 99 ngọn núi quần tụ, ba phía Bắc, Đông, Nam đều có núi sông che chắn, tạo ra thế gọng kìm “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ". Vua cho đóng tại bản doanh tức gọi Đồng Dinh. Vua Lê Đại Hành đã cho xây dựng một loạt các doanh đồn như: Núi Cao Hiệu (nơi cắm cờ vọng gác tiền tiêu). Nội Xưởng (nơi sản xuất vũ khí và các phương tiện chiến đấu). Lò Văn (nơi một số viên quan phụ trách về việc văn thư). Núi Bàn Cung (nơi bàn đánh trận). Nền Bà Chúa (nơi ở của các nữ tướng). Núi Sơn Đụn (nơi để kho quân lương)…Từ đây bằng đường thủy, đường bộ có thể đi lên Thăng Long hay đi xuống cửa Biển Hải Phòng, Quảng Ninh đều thuận lợi. Do vậy trong khoảng thời gian gần 04 tháng chiến đấu với quân Tống, đặc biệt là trận quyết chiến trên Sông Bạch Đằng, mùa xuân năm Tân Tỵ (981) Vua Lê Đại Hành cùng với các tướng sĩ đã đánh tan quân giặc, sau khi đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, ca khúc khải hoàn chiến thắng, nhà Vua cho thu binh về Dược Đậu Trang (An Lạc) hạ trại ăn mừng sau đó hồi cung.
Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược đã lui sâu vào quá khứ, song những địa danh nơi đây vẫn còn hiện rõ dấu tích lịch sử hào hùng năm xưa của Vua Tôi nhà Tiền Lê.
Năm 2001, UBND tỉnh Hải Dương đã hội thảo khoa học tại An Lạc, các nhà khoa học đã khẳng định vùng đất An Lạc chính là Đại Bản Doanh của Lê Hoàn chống Tống năm 981.
Để ghi nhớ, tri ân công lao của Lê Đại Hành hoàng đế, năm 2002 Nhà nước cùng với nhân dân đã xây dựng đền thờ Vua Lê Đại Hành trên đỉnh núi Bàn Cung để hương hỏa phụng thờ trường tồn cùng trời đất.
Trích trong “Hội thảo khoa học An Lạc (Chí Linh) Đại bản doanh của Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược năm 981"